“Mọi
người có quyền tự do ngôn luận; quyền này bao gồm tự do tìm kiếm, tiếp
nhận và phổ biến mọi loại tin tức và ý kiến, không phân biệt ranh giới,
bằng truyền miệng, bản viết hoặc bản in, bằng hình thức nghệ thuật,
hoặc thông qua bất cứ phương tiện truyền thông đại chúng khác theo sự
lựa chọn của mình” (Điều
19,2 Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, Liên Hiệp Quốc
biểu quyết năm 1966, Việt Nam xin tham gia năm 1982). (Everyone
shall have the right to freedom of expression; this right shall include
freedom to seek, receive and impart information and ideas of all kinds,
regardless of frontiers, either orally, in writing or in print, in the
form of art, or through any other media of his choice.)
|
D I Ễ N Đ À N
Xách súng đi cướp ngân hàng là ăn cướp hạng bét. Dùng hệ thống ngân hàng để ăn cướp, đó mới thật là “siêu!” Muốn biết họ ăn cướp như thế nào, hãy coi hệ thống ngân hàng ở các nước cộng sản Á Châu làm ăn ra sao. Theo thông tin mới trong tuần cuối Tháng Tư năm 2006 thì tổng số nợ khó đòi tại các ngân hàng ở Trung Quốc lên tới 900 tỷ Mỹ kim, cao hơn tổng số ngoại tệ dự trữ 875 tỷ! Tuần trước, Ngân Hàng Nhân Dân Trung Quốc mới tăng lãi suất để chặn bớt không cho các ngân hàng thương mại cho vay thêm nợ mới, tuy vậy tiền ký thác thì vẫn chỉ được trả mức lãi như cũ. Ở Việt Nam, Ngân Hàng Nhà Nước cũng ra lệnh cho các ngân hàng thương mại phải giảm bớt các món cho vay để đầu cơ nhà đất. Hơn một tuần trước đó, Bộ Tài Chính ở Việt Nam cũng yêu cầu Ngân Hàng Nhà Nước ra lệnh giảm bớt các món nợ cho những người vay để mua cổ phiếu trong và ngoài Thị Trường Chứng Khoán Sài Gòn. Ngân Hàng Trung Ương cả hai xứ cộng sản Á Châu có cùng một mối lo: Nợ xấu, tức là những món nợ không trả được tiền lãi đều đặn và lo không đòi lại được tiền vốn đã cho vay. Ở Việt Nam, chỉ số thị trường chứng khoán tăng lên 87 phần trăm trong mấy tháng đầu năm nay, hơn hẳn chỉ số Dow Jones ở Mỹ. Ðây là một hiện tượng lạ lùng, vì tất cả thị trường chứng khoán ở Sài Gòn chỉ có 35 cổ phần ghi danh cho người ta mua bán (so với hàng mấy ngàn cổ phần ở các thị trường quốc tế) và giá trị của tất cả các cổ phần các công ty đó chỉ lên tới 1 tỷ 8 Mỹ kim, chưa bằng một phần trăm thị trường Bangkok, Thái Lan. Nhiều người vay tiền từ ngân hàng để mua cổ phiếu, rồi lấy cổ phiếu thế chấp để vay thêm, đi mua thêm cổ phiếu khác! Nghe tin ngân hàng bán công bán tư Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) tính sẽ ghi danh trên thị trường chứng khoán là nhiều người đổ tiền ra mua trước. Và VP Bank ở Hà Nội thương thuyết bán 10 phần trăm cổ phần cho OCBC, một ngân hàng Singapore, khiến nhiều người cũng tìm mua VP Bank ngay, hy vọng mai mốt giá sẽ lên. Giới có tiền trong nước tìm mua cổ phần, một phần cũng vì họ có thể vay nhiều tiền quá mà thiếu cơ hội đầu tư. Giá nhà cửa đã đứng hoặc xuống từ một năm nay, còn vàng thì đã lên giá quá cao, lo không biết bao giờ giá sẽ xuống. Chính mối lo về thị trường địa ốc này đã khiến Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam ra lệnh cho các ngân hàng thương mại phải coi chừng nợ xấu. Số nợ về địa ốc tăng vọt trong ba năm trước, nhưng bây giờ số nhà cửa mua bán tại hai thành phố Hà Nội và Sài Gòn đã giảm bớt hơn hai phần ba trong năm qua cho thấy cơn sốt đã hạ. Nhiều ngân hàng sẽ không đòi được nợ khi các người đầu cơ địa ốc phá sản. Nhưng khi các ngân hàng chuyển từ thị trường địa ốc sang mục cho vay để mua cổ phần, thì đến lúc bong bóng cổ phần nổ cũng để lại những món nợ xấu tương tự. Hệ thống ngân hàng của hai nước cộng sản Á Châu đều mang một hiểm họa: Nợ xấu, dịch nguyên văn chữ Bad Debts cho tiện. Theo ước tính của Cơ Quan Phát Triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) ở Việt Nam thì số nợ xấu mà các ngân hàng thương mại ở Việt Nam đang gánh là khoảng 10 phần trăm số nợ đã cho vay, giống như cho vay 10 đồng thì lo sẽ mất một đồng không đòi lại được. Ðặc biệt, tỷ số nợ xấu ở các ngân hàng quốc doanh cao gấp 13 lần các ngân hàng do ngoại quốc làm chủ. Nhờ chính phủ đổ tiền ra cứu trong ba năm qua nên tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng bên Trung Quốc chỉ còn một nửa. Tỷ lệ nợ xấu ở các ngân hàng thương mại Trung Quốc hiện nay khoảng 10 phần trăm, sau khi chính phủ đã giúp bằng cách mua lại các món nợ khó đòi đó. Những món nợ xấu đó có thể gây khủng hoảng trong cả hệ thống ngân hàng, nhưng mối lo lớn đó các ngân hàng nhà nước không phải gánh chịu, vì lúc nào cũng được các chính phủ cộng sản bảo vệ. Chính phủ Bắc Kinh đã bỏ ra 45 tỷ đô la trong ngoại tệ dự trữ để giúp mua lại các món nợ xấu từ 2 trong số 4 ngân hàng nhà nước lớn nhất, Trung Quốc Ngân Hàng và Kiến Thiết Ngân Hàng, trước khi cho phép hai ngân hàng này ghi danh trên thị trường chứng khoán và bán cổ phần cho các ngân hàng ngoại quốc. Tổng số các món tiền mà chính phủ Bắc Kinh đem ra giúp các ngân hàng quốc doanh lên tới 400 tỷ Mỹ kim, nhưng số nợ xấu vẫn tăng thêm. Khi các xí nghiệp không trả được nợ, các ngân hàng không đòi được nợ, đó là vấn đề của họ, hay của ai? Phải nhìn thấy đó là một vấn đề của nhân dân cả nước. Người dân cong lưng làm lụng, cho người khác hưởng. Một lũ ăn hại được hưởng! Khi chính quyền đem tiền công quỹ đi giúp các ngân hàng không đòi được nợ, đó là một hành động “ăn cướp của dân để nuôi một bộ máy ăn hại.” Phần lớn những con nợ không tiền trả là các doanh nghiệp nhà nước. Tiền công quỹ là của chung nhân dân, đặc biệt là các xí nghiệp có đóng thuế. Các doanh nghiệp tư nhân đóng góp hơn nửa số sản xuất của quốc gia nhưng không được vay tiền bằng một phần tư các doanh nghiệp nhà nước. Các ngân hàng nhà nước nhận tiền của công chúng và trả họ với lãi suất thấp, đem tiền đó cho các doanh nghiệp nhà nước vay rồi không đòi được. Coi như nhà nước xóa nợ cho những cán bộ quản đốc ăn hại, tức là dùng hệ thống ngân hàng để lấy tiền dân đóng góp mà nuôi các đảng viên cộng sản. Muốn thấy rõ tính chất “ăn cướp” đó ta cần hiểu vai trò của các ngân hàng là gì trong nền kinh tế. Tại sao thế giới này phải có mấy ngân hàng? Thử nghĩ như thế này: Trong nước có nhiều người dành dụm không tiêu hết số tiền mình kiếm được. Trong khi đó có những người nảy ra sáng kiến kinh doanh sản xuất, cần tiền để đầu tư. Loại người thứ nhất là hầu hết chúng ta, ta có thể cất số tiền tiết kiệm đó dưới mái nhà hay trong ngăn kéo tủ quần áo. Loại người thứ hai ít hơn, nhưng họ giúp tạo ra hàng hóa, của cải mới, cung cấp công việc làm cho nhiều người, nhưng trước hết chính họ phải có lợi. Nếu không có các ngân hàng thì chắc chúng ta cũng nên bịa ra những định chế giống như vậy để chuyển số tiền tiết kiệm của “nhân dân” cho các nhà sản xuất sử dụng sinh lợi. Trong nền kinh tế thị trường tự do thì các ngân hàng ganh đua nhau thu hút tiền người ta gửi bằng cách trả lãi suất cao nhất có thể trả được. Các nhà sản xuất cũng cạnh tranh nhau đi vay càng nhiều càng tốt để có tiền đầu tư, bằng cách chịu trả lãi cho ngân hàng cao hơn các đối thủ. Nhưng muốn vậy thì nhà sản xuất phải tìm ra những cơ hội, lập những dự án đầu tư sinh lợi cao nhất, hơn các đối thủ. Những dự án nào hy vọng có lời nhất? Khi kinh tế được tự do thì chính người tiêu thụ quyết định chuyện đó. Công ty nào sản xuất đúng nhu cầu người tiêu thụ, làm hàng tốt nhất, bán giá rẻ nhất thì sẽ có lời nhiều. Cuối cùng, hệ thống ngân hàng thực ra chỉ đóng vai trung gian, giúp người tiết kiệm và nhà đầu tư gặp nhau; nhưng nhờ hệ thống đó mà tiền dành dụm của nhân dân được đưa vào sử dụng trong các hoạt động kinh tế ích lợi nhất. Nếu các xí nghiệp đều cố gắng tìm cách làm ăn có hiệu quả thì ngay cả các nhân viên đi làm công cũng được sử dụng vào những việc hữu ích hơn, cảm thấy họ có giá trị hơn. Một hệ thống ngân hàng hữu hiệu giúp cho tiền bạc cũng như nhân lực, là những tài nguyên của quốc gia, được dùng một cách hữu hiệu. Trong các xứ cộng sản, hệ thống ngân hàng nằm trong tay nhà nước. Không có chuyện tự do cạnh tranh, cho nên dân chúng không thể tìm chỗ khác để gửi tiền dành dụm của họ. Các ngân hàng quốc doanh thu tiền vào rồi làm gì? Họ cũng không xét các đơn xin vay nợ theo tiêu chuẩn lời lỗ và mức độ rủi ro như các ngân hàng trong kinh tế thị trường. Ngân hàng quốc doanh ưu tiên cho các xí nghiệp quốc doanh vay, dù biết người vay không thể trả được nợ. Ngân hàng sẽ xóa nợ các xí nghiệp quốc doanh, nhà nước sẽ đổ tiền vào cứu các ngân hàng. Tất cả hệ thống xí nghiệp và ngân hàng họp thành một guồng máy có nhiệm vụ chuyển tiền của dân tiết kiệm và dân đóng thuế sang cho các cán bộ cộng sản, đặc biệt là những cán bộ quản lý xí nghiệp và ngân hàng. Ðó là một cách ăn cướp giữa ban ngày, dùng cả hệ thống quản lý kinh tế để ăn cướp, người dân không có đường nào trốn tránh được! Nhiều người không biết là mình bị ăn cướp nữa! Dân chúng giống như đã bị nhốt trong nhà tù, đổ mồ hôi làm việc kiếm tiền, đóng thuế và gửi vào ngân hàng cho guồng máy của đảng Cộng Sản đem nuôi các cán bộ trung thành của đảng. Trong tập truyện Hỏa Lò, thi sĩ Nguyễn Chí Thiện đã mô tả các quản giáo dùng hệ thống mua bán lén lút của các tù nhân để chính họ kiếm tiền. Các tù nhân thèm thuốc lào thì cai tù sẽ cung cấp thuốc lào, qua một hệ thống phân phối từng phòng. Nhưng nhiều tù nhân cũng được gia đình tiếp tế, cho nên bọn cai ngục có thể đặt trước muốn cái gì thì tù nhân bảo gia đình thăm nuôi mang món đó tới. Cứ như vậy, bọn quản giáo lợi dụng việc mua bán, trao đổi trong nhà tù để hưởng lợi và làm giàu. Mà tù nhân có khi còn biết ơn nữa! Ở trong tù thế nào thì ở ngoài xã hội, cái nhà tù lớn, cũng vậy. Chỉ khi nào chấm dứt chế độ nhà tù thì người dân mới thoát khỏi gọng kìm của hệ thống các ngân hàng quốc doanh! NGÔ NHÂN DỤNG www.TDNgonLuan.com hoan nghênh ý kiến đóng góp của qúy vị độc giả. Xin email về: tdngonluan@yahoo.com hay type vào hộp Ý Kiến/Comment Box ở dưới đây và nhấn vào nút "Submit" để gởi đi. Trân trọng: Ý
KIẾN ĐỘC GIẢ: |