Mọi người có quyền tự do ngôn luận; quyền này bao gồm tự do tìm kiếm, tiếp nhận và phổ biến mọi loại tin tức và ý kiến, không phân biệt ranh giới, bằng truyền miệng, bản viết hoặc bản in, bằng hình thức nghệ thuật, hoặc thông qua bất cứ phương tiện truyền thông đại chúng khác theo sự lựa chọn của mình (Điều 19,2 Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, Liên Hiệp Quốc biểu quyết năm 1966, Việt Nam xin tham gia năm 1982). (Everyone shall have the right to freedom of expression; this right shall include freedom to seek, receive and impart information and ideas of all kinds, regardless of frontiers, either orally, in writing or in print, in the form of art, or through any other media of his choice.)

Đầu năm 2006, có hai nhà trí thức đấu tranh dân chủ ở Sài Gòn là giáo sư Trần Khuê và kỹ sư Đỗ Nam Hải ra Hà Nội. Họ đi thăm và gặp gỡ nhiều nhân vật cộng sản đã phản tỉnh hay có tinh thần dân chủ như các ông Hoàng Minh Chính (nguyên viện trưởng Viện triết học Mác-Lê), Lê Hồng Hà (đại tá công an, nguyên Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ tổng hợp Bộ Nội), đại tá quân đội Phạm Quế Dương, cựu chiến binh Trần Đại Sơn, tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang, tiến sĩ Phan Đình Diệu, nhà văn Hoàng Tiến, nhà văn Hoàng Quốc Hải, nhà báo Nguyễn Khắc Toàn, gia đình trung tướng Trần Độ, gia đình 2 tù nhân chính trị vẫn còn trong ngục là chị Vũ Thúy Hà vợ của bác sĩ Phạm Hồng Sơn và chị Bùi Thị Kim Ngân vợ của nhà báo Nguyễn Vũ Bình…. Họ trao đổi sâu rộng về hiện tình đất nước và bàn phương hướng phối hợp đấu tranh chung, cùng hành động vì một mục tiêu: đẩy mạnh hơn nữa công cuộc dân chủ hóa toàn diện đất nước. Cụ thể trước mắt là soạn thảo một Tuyên ngôn Dân chủ Nhân quyền cho Việt Nam theo kiểu “Hiến chương 77” ở Tiệp Khắc, bản hiến chương lịch sử mà nhiều trí thức, văn nhân, nghệ sĩ nước ấy đã đưa ra vào tháng 01-1977, từ đó tạo nên một phong trào dân chủ ngày càng mạnh mẽ, dẫn đến cuộc Cách mạng Nhung năm 1989, giải thể chế độ cộng sản hoàn toàn.

Do nắm được tính chất nghiêm trọng của vụ việc, cảm thấy nó đe dọa thể chế chính trị độc đoán hiện tồn của mình, Ba Đình đã chỉ thị cho Bộ công an và Bộ công an chỉ đạo Tổng cục an ninh, Cục A42, Sở công an Hà Nội (và sau đó là mọi sở công an khắp cả nước) tăng cường giám sát mọi hành động của nhóm dân chủ này: từ tư gia đến nhà trọ, từ điện thoại đến điện thư của họ đều bị theo dõi ráo riết. Thậm chí công an còn bắt giữ kỹ sư Đỗ Nam Hải khi anh đang ở trong một quán internet để thẩm vấn và khám hộp thư điện tử của anh (vào cuối tháng 2-2006).

Đầu tháng 3-2006, kỹ sư Đỗ Nam Hải vào lại Sài Gòn với sứ mạng chấp bút Tuyên ngôn theo phác thảo chung từ Hà Nội. Sở dĩ được giao việc này vì trước đó anh đã nổi tiếng với 5 bài tiểu luận về tình hình đất nước xã hội dưới bút hiệu Phương Nam. Cùng làm việc này với giáo sư Nguyễn Chính Kết và Thượng tọa Thích Không Tánh, anh tiếp tục bị công an Sài Gòn theo dõi điện thư, khám xét và niêm phong máy tính, thậm chí vào đầu tháng 4 còn giam giữ anh tại quận Phú Nhuận hầu ngăn chặn anh hoàn thành dự thảo. Tuy nhiên, kỹ sư Hải đã kịp gửi bản nháp đến cho nhiều nhà dân chủ miền Trung lẫn miền Bắc để cùng nhau duyệt lại. Và cuối cùng, chính nhóm linh mục đấu tranh cho tự do tôn giáo và dân chủ nhân quyền ở Huế (Nhóm Linh mục Nguyễn Kim Điền, thành lập từ năm 2001) đã hoàn thiện văn bản và tung ra chiều ngày 08-04-2006 với tên chính thức “Tuyên ngôn Tự do Dân chủ cho VN 2006” kèm danh sách 118 người (ghi cả nghề nghiệp và địa chỉ, thuộc mọi miền đất nước, do linh mục Nguyễn Văn Lý tập hợp). Thật ra, Tuyên ngôn này không phải là đột khởi đột hiện. Trước đó đã có nhiều bản văn dọn đường cho nó. Như Lời kêu gọi tẩy chay bầu cử Quốc hội bù nhìn 2007 (17-10-2005), Lời kêu gọi cho Quyền Thông tin Ngôn luận (22-02-2006), Lời kêu gọi cho Quyền công nhân Việt Nam (19-3-2006), Lời Kêu gọi cho Quyền thành lập và hoạt động đảng phái Việt Nam (06-4-2006).

Tuyên ngôn Tự do Dân chủ cho Việt Nam sở dĩ nhanh chóng nhận được sự ủng hộ của quốc nội và quốc tế, của nhiều đồng bào yêu nước và nhiều chính khách, tổ chức dân chủ năm châu, chính vì đó là một bản văn mang tính tranh đấu công khai, mạnh mẽ của nhân dân, nhận định rõ ràng chính xác về thực trạng đất nước và quy luật lịch sử, đặt ra mục tiêu thích hợp, phương pháp đúng đắn và ý nghĩa cao đẹp; nó lại phát sinh từ giữa một chế độ độc tài toàn trị kể từ Cách mạng tháng 8 1945. Thiết tưởng cũng nên nhắc lại vài điểm trong nội dung của Tuyên ngôn mà từ 10 năm qua đã trở thành –có thể nói thế- nguồn hứng, tinh thần, động lực và ngọn đuốc cho phong trào dân chủ tại Việt Nam.

Về thực trạng của Việt Nam, Tuyên ngôn xác định cách thẳng thắn và can đảm: “Trong cuộc Cách mạng tháng 8-1945, sự lựa chọn của toàn Dân tộc ta là Độc lập Dân tộc, chứ không phải là chủ nghĩa xã hội”. Nhưng “rõ ràng mục tiêu của cuộc cách mạng ấy đã bị đảng Cộng sản VN đánh tráo. Và dĩ nhiên, Quyền Dân tộc tự quyết cũng hoàn toàn bị thủ tiêu. Đã có ít nhất 2 cơ hội lịch sử rất thuận lợi là năm 1954 ở miền Bắc và năm 1975 trên cả nước, để Dân tộc khẳng định Quyền tự quyết của mình. Nhưng tất cả đều đã bị đảng Cộng sản VN tráo trở không thực hiện. Vì một khi nền chuyên chính vô sản đã được thiết lập, thì theo Lênin, chức năng đầu tiên của nó chính là bạo lực và khủng bố trấn áp !... Kể từ đó, nhất là ở miền Bắc sau năm 1954, rồi cả nước sau ngày 30-4-1975 thì bóng ma của chủ nghĩa cộng sản đã luôn đè ám lên đầu, lên cổ toàn Dân VN. Chính cái bóng ma ấy… đã triệt tiêu hầu hết những quyền con người của Nhân dân VN. Và hôm nay, nó vẫn đang tạm đô hộ, chiếm đóng lên cả 2 mặt tinh thần và thể chất của toàn Dân tộc VN”.

Về quy luật lịch sử hay qui luật phổ biến toàn cầu, Tuyên ngôn không ngại cho thấy chính những người cộng sản đang đi ngược bánh xe lịch sử: “Lịch sử đã minh định rằng mọi quyền tự do, dân chủ ở bất cứ một chế độ độc đảng toàn trị nào, dù cộng sản hay không cộng sản, cũng đều bị chà đạp không thương tiếc, chỉ khác nhau ở mức độ mà thôi. Bất hạnh thay là cho đến nay, Dân tộc VN vẫn thuộc về một trong số ít các Quốc gia trên thế giới còn bị cai trị bởi chế độ độc đảng toàn trị cộng sản. Điều này thể hiện cụ thể tại Điều 4 của Hiến pháp Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa VN hiện hành… Chính vì điều này mà các quyền tự do, dân chủ của Nhân dân đã hoàn toàn bị triệt tiêu, may ra chỉ còn vài mẩu vụn mà thôi !” Việc này đưa đến hậu quả: “VN hôm nay trở thành Quốc gia bị tụt hậu quá xa so với các Nước trong khu vực và thế giới. Quốc nhục này và các quốc nạn khác khó bề tẩy xóa”. Cái đó nằm quy luật chung do chính thực tiễn xác nhận: “Bất kỳ Nước nào đã bị rơi vào quỹ đạo của chủ nghĩa cộng sản thì đều điêu tàn thê thảm cả”. Do đó “Liên Xô, cái nôi cộng sản, cùng với các Nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu khác, đã dũng cảm vượt qua chính mình để quay lại tìm đường đi đúng cho Dân tộc họ”.

Từ thực trạng và qui luật trên đây, với ý thức trách nhiệm của công dân trước vận mệnh Đất nước, những người ký Tuyên ngôn giãi bày cùng toàn thể Đồng bào quốc nội và hải ngoại:

- Mục tiêu đấu tranh: “Mục tiêu cao nhất… là làm cho thể chế chính trị ở VN hiện nay phải bị thay thế triệt để, chứ không phải được “đổi mới” từng phần hay điều chỉnh vặt vãnh như đang xảy ra. Cụ thể là phải chuyển từ thể chế chính trị nhất nguyên, độc đảng, không có cạnh tranh trên chính trường hiện nay, sang thể chế chính trị đa nguyên, đa đảng, có cạnh tranh lành mạnh, phù hợp với những đòi hỏi chính đáng của Đất nước, trong đó hệ thống tam quyền Lập pháp, Hành pháp, Tư pháp phải được phân lập rõ ràng, phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế và trải nghiệm của Nhân loại qua những nền dân chủ đắt giá và đầy thành tựu”.

“Mục tiêu cụ thể là thiết lập lại các quyền cơ bản của toàn Dân sau đây : - Quyền Tự do Thông tin Ngôn luận theo Công ước Quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị của Liên Hiệp Quốc, điều 19,2… Nghĩa là các đảng phái, tổ chức, cá nhân có quyền thông tin ngôn luận qua báo chí, phát thanh, truyền hình và các phương tiện truyền thông đại chúng khác mà không cần đợi phép của nhà cầm quyền. - Quyền Tự do hội họp, lập hội, lập đảng, bầu cử và ứng cử theo Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị, điều 21… Nghĩa là các đảng phái thuộc mọi khuynh hướng cùng nhau cạnh tranh lành mạnh trong một nền dân chủ đa nguyên, đa đảng chân chính. - Quyền Tự do hoạt động Công đoàn độc lập và Quyền Đình công chính đáng theo Công ước Quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa, điều 7 và 8… Các công đoàn này phải là những tổ chức duy nhất hoạt động độc lập, không có những loại Công đoàn tay sai của nhà cầm quyền. - Quyền Tự do Tôn giáo theo Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị, điều 18… Các Tôn giáo này phải hoạt động độc lập, chứ không thể bị biến thành công cụ cho nhà cầm quyền”.

Phương pháp đấu tranh: “Hòa bình, bất bạo động. Và chính Dân tộc chủ động thực hiện cuộc đấu tranh này…. Thông qua những phương tiện thông tin hiện đại và qua sự giao lưu quốc tế ngày càng rộng mở, chúng ta sẽ tìm mọi cách giúp Đồng bào kiện toàn nhận thức. Và một khi Nhân dân đã có nhận thức đúng và rõ thì nhất định sẽ biết hành động thích hợp và hiệu quả”.

Ý nghĩa cuộc đấu tranh: “Làm cho chính nghĩa thắng phi nghĩa, tiến bộ thắng lạc hậu, các lực lượng dân tộc đang vận dụng đúng quy luật của cuộc sống và xu thế của thời đại thắng những tà lực đang tìm cách đi ngược lại những xu thế và quy luật ấy. Đảng cộng sản VN vẫn còn đồng hành cùng Dân tộc hay không là tùy ở mức độ đảng ấy có khách quan, công bằng, sáng suốt và khiêm tốn chấp nhận các nguyên tắc bình đẳng của cuộc cạnh tranh lành mạnh hay không, chỉ có thể chế chính trị độc đảng ấy là dứt khoát phải bị chôn táng vĩnh viễn vào quá khứ. Từ đó, Dân tộc sẽ tìm được những con người tốt nhất, những lực lượng chính trị giỏi nhất sau mỗi kỳ bầu cử để lãnh đạo Đất nước. Nguyên tắc “lẽ phải toàn thắng” sẽ được thiết lập và cuộc sống cá nhân sẽ trở nên tốt hơn, xã hội sẽ trở nên nhân bản hơn và Đồng bào sẽ sống với nhau thân thiện hơn”.

Lướt qua Tuyên ngôn, không ai không nhận thấy đó thực là những nhận định sáng suốt và những đường lối đúng đắn để xây dựng đất nước trong hiện tại và tương lai. Thế nhưng, do lòng tham lam vô độ muốn nắm mọi quyền lực để thu vén mọi quyền lợi, do niềm tin tưởng mù quáng vào bạo lực và lừa gạt như phương tiện quản lý đất nước và điều hành xã hội, do sự lệ thuộc và quỵ lụy đê hèn đối với đảng cộng sản Trung Quốc vốn ngày càng biểu lộ dã tâm thôn tính nước Việt, đảng cộng sản VN đã và đang thản nhiên gạt bỏ hoàn toàn nội dung của Tuyên ngôn, do đó –như thực tế chứng minh- họ càng đẩy Đất nước vào bao khủng hoảng, đẩy Xã hội vào bao cảnh nhiễu nhương, đẩy Nhân dân vào bao cảnh khốn cùng, đẩy chính bản thân đảng vào bao bế tắc, từ đó đẩy Quốc gia vào nguy cơ bị Bắc thù đại hán xóa sổ. Thành ra, toàn dân hãy nhân kỷ niệm 10 năm Tuyên ngôn Tự do Dân chủ mà quyết tâm đứng lên, nắm lấy vận mệnh của mình, giành lại dân chủ tự do cho mình.

Ban Biên Tập (số 240 ngày 1-4-2016)
-Nhấn vào Link này để "download" (save as) Bán nguyệt san TDNL ở dạng (format): .doc, sẽ chậm (xin kiên nhẫn!), nếu bạn không sử dụng đường dây cao tốc Internet DSL, nhưng toàn bộ mỗi số báo 32 trang sẽ giữ dạng nguyên thủy, như là 1 file duy nhất: http://www.tdngonluan.com/pdf/TuDoNgonLuan_So240_1April2016.doc
....................................................................................................

Chân    thành    cảm    tạ    qúy    vị    ghé    thăm    trang    nhà    website    Tự    Do    Thông    Tin    Ngôn    Luận    cho    toàn    dân    Việt Nam

Copyright © 2006 www.tdngonluan.com/Email: witness2005@gmail.com/Webmaster: legraphic@yahoo.com - All rights reserved.